Có rất nhiều phương pháp dạy con khác nhau, nhưng vẫn chung một câu hỏi làm thế nào để con phát triển thế mạnh của bản thân là vấn đề khiến không ít các bậc cha mẹ đau đầu.
Có không ít cha mẹ bày tỏ sự lo lắng hay thất vọng về việc con mình không thể hiện bất kỳ thế mạnh nào. Nguyên do là con ít có các hoạt động giao tiếp xã hội hoặc có hứng thú với một môn thể thao, loại hình nghệ thuật nào đó… như “con nhà hàng xóm”. Thực thế là mỗi đứa trẻ có một thế mạnh riêng, con của bạn có thể có thế mạnh ở một lĩnh vực nào đó mà bạn chưa nhận ra, như rất tinh tế trong việc quan sát, ham đọc sách hay yêu thích các chương trình khoa học hoặc thích thêu thùa, may vá…
Mỗi đứa trẻ được sinh ra đã là một cá thể riêng, có tài năng và sức mạnh riêng không giống với bất kỳ đứa trẻ nào khác. Ngay cả những đứa trẻ là anh chị em ruột cũng có thiên hướng khác nhau. Bạn và anh chị em của bạn cũng không giống nhau, mỗi người có thế mạnh riêng đúng không? Do đó, đừng bắt ép con bạn phải giống anh chị em của bé hay bất kỳ một đứa trẻ nào mà bạn biết. Việc cha mẹ sớm hiểu và chấp nhận sự khác biệt này của trẻ sẽ giúp con phát huy thế mạnh của bản thân một cách tốt nhất. Thực tế là việc vận dụng điểm mạnh của bản thân trong mọi việc hàng ngày sẽ giúp cuộc sống của chúng ta bình yên và hạnh phúc hơn.
Mặt khác, trong chuyện nuôi dạy con, nhiều người trong số chúng ta thường có thiên hướng tập trung, thậm chí là xoáy sâu vào các điểm yếu của trẻ. Một số người thường chế nhạo con vì “sự kém cỏi” của trẻ, thậm chí làm con xấu hổ trước mặt bạn bè và những người xung quanh với mong muốn là con sẽ tiến bộ hơn. Thực tế, đây là việc làm rất sai lầm. Chúng ta cần hiểu rằng việc trẻ không đạt điểm cao trong học tập không đồng nghĩa với việc con sẽ gặp thất bại trong cuộc sống và ngược lại.
Là cha mẹ, chúng ta cần xác định được những điểm mạnh của con mình càng sớm càng tốt và cố gắng hỗ trợ trẻ phát huy những điểm mạnh đó.
1. Hãy chơi cùng con
Hãy cùng chơi các trò chơi khác nhau cùng với con và ngầm quan sát xem trẻ tỏ ra quan tâm hay có hứng thú với trò nào. Từ đó, hãy tạo điều kiện cho con dần phát huy thế mạnh trong trò chơi đó.
Nếu con không thích bất kỳ trò chơi nào, đừng cố ép trẻ. Việc cưỡng ép chỉ khiến trẻ có những phản ứng tiêu cực mà thôi.
2. Tìm ra tín hiệu
Hãy để con bạn tiếp cận với tất cả những thứ bé muốn chơi hay tiếp xúc. Sau đó, hãy tìm hiểu sở thích và thế mạnh của con thông qua những dấu hiệu mà bạn nhận được khi quan sát bé.
3. Ghi chú
Hãy ghi lại những gì con bạn thích và những gì bé không thích, những điểm mạnh và điểm yếu cùng những lý do mà trẻ đưa ra. Điều này rất hữu ích trong việc nuôi dạy con.
4. Lắng nghe con bạn
Hãy dành thời gian trò chuyện với con thường xuyên, trở thành một người bạn ở nhà của bé. Nếu làm được như thế, con bạn có thể thoải mái chia sẻ với cha mẹ về sở thích, về ước mơ, hoài bão… của trẻ.
5. Đừng so sánh trẻ với các anh chị em hay “con nhà hàng xóm”
Việc so sánh trẻ với các anh chị em hay với “con nhà hàng xóm” không làm cho trẻ giỏi hơn mà chỉ khiến lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương. Do đó, bạn tuyệt đối không nên làm việc này.
Thay vào đó, hãy giúp các con bạn tìm ra điểm mạnh của chúng, tạo điều kiện để đám trẻ chơi cùng nhau. Điều này giúp con bạn có thể học hỏi được những điều bổ ích.
6. Chỉ ra sự khác biệt giữa sở thích và điểm mạnh
Hãy chỉ ra sự khác biệt giữa sở thích và điểm mạnh của con, giúp con phát huy cả hai điều đó.
Những lưu ý trong việc giúp con phát huy thế mạnh của bản thân
Nếu có thể, bạn hãy mời các bạn của con đến nhà chơi vào dịp cuối tuần hay liên hệ với các phụ huynh khác để có thể tổ chức những buổi đi chơi chung. Tại những buổi gặp gỡ này, bạn hãy trò chuyện và tìm cách khơi gợi để các con chia sẻ về thế mạnh và sở thích của chúng. Điều này giúp con bạn hiểu mỗi đứa trẻ sẽ có những sở thích riêng, thế mạnh riêng, không ai là hoàn hảo hay kém cỏi. Ngoài ra, những dịp trò chuyện như thế này không chỉ giúp những đứa trẻ nhận thức rõ hơn về điểm mạnh của người khác và của chính mình mà còn trau dồi kỹ năng giao tiếp.
Việc giúp trẻ phát huy những điểm mạnh của bản thân không có nghĩa là bạn sẽ lờ đi những điểm yếu của con. Bạn cần thẳng thắn nhìn vào các điểm yếu của trẻ, tìm hiểu nguyên nhân để có hướng khắc phục phù hợp. Nếu điểm yếu của con là quá rụt rè, bạn có thể trao đổi với giáo viên của trẻ, nhờ họ hỗ trợ điều này. Ngoài ra, bạn cũng nên cho trẻ tham gia các đội nhóm để con dạn dĩ hơn.
Việc giúp con phát huy thế mạnh của bản thân không thể diễn ra một sớm một chiều mà cần có thời gian. Do đó, trong việc này, bạn nên nhẫn nại với con, cùng con tháo gỡ khó khăn để có kết quả tốt nhất.