Tập cho trẻ chỉ vào tranh ảnh - RVE

Khi mới sinh ra, trẻ sẽ giao tiếp với người lớn bằng các biểu cảm hay cử chỉ đơn giản như: khóc, cười, kéo, chỉ tay. Việc chỉ tay được xem là một cột mốc phát triển tiếp theo của trẻ.

Thế nên, để dạy trẻ sử dụng các phương tiện giao tiếp cao hơn, ba mẹ cần dạy kỹ năng chỉ tay vào tranh ảnh trong sách để giúp trẻ tăng khả năng nhận thức và tạo bước đệm mới cho sự phát triển của trẻ, từ tranh ảnh trong sách trẻ có thể liên hệ với vật thật bên ngoài và thể hiện được nhu cầu bản thân bằng cách chỉ tay.

B51 RESIZED

Vậy ba mẹ sẽ tập cho con chỉ tay vào tranh ảnh như thế nào?

Đầu tiên, ba mẹ cần chuẩn bị sách có tranh ảnh, dựa theo sở thích của trẻ mà chọn sách tranh có hình ảnh trẻ thích để dạy trước:

Bước 1: Ba mẹ làm mẫu cho trẻ quan sát.

Đầu tiên ba mẹ chọn sách, tranh chủ đề trẻ thích (con vật, đồ ăn,…), số lượng tranh ban đầu từ 2-3 trong mỗi trang sách, cho trẻ ngồi đối diện đưa trẻ xem 1 trang trong quyển sách tranh (chú ý ngang tầm mắt trẻ). Ba mẹ bắt đầu gọi lớn tên tranh (con vật, đồ ăn,…) đồng thời chỉ vào tranh (con vật, đồ ăn) trong sách, cho trẻ quan sát. Ba mẹ lặp lại tiến trình này 2-3 lần.

Bước 2: Tập cho trẻ chỉ vào tranh khi gọi tên (có sự hỗ trợ).

Trong bước này, ba mẹ cũng đưa trẻ xem 1 trang trong quyển sách. Ba mẹ bảo trẻ “Hãy chỉ vào……..(tên của con vật, đồ ăn)”. Ba mẹ cầm tay trẻ hướng dẫn trẻ chỉ vào đúng bức tranh và khen thưởng khi trẻ có cố gắng thực hiện chỉ. Giảm dần gợi ý cho trẻ vào những lần tiếp theo bằng cách cầm hờ cổ tay để trẻ tự chỉ vào tranh, lặp lại tiến trình nhiều lần để trẻ quen với việc chỉ ngón tay vào tranh.

Bước 3: Tập cho trẻ tự chỉ vào tranh khi gọi tên.

Ba mẹ đưa trẻ xem 1 trang trong quyển sách tranh. Bảo trẻ “Hãy chỉ vào……..( con vật, đồ ăn)” và chờ đợi 2-3 giây để trẻ chỉ vào đúng bức tranh trong sách. Ba mẹ chỉ khen thưởng những lần trẻ làm đúng chỉ dẫn mà không cần nhắc. 

Trong quá trình tập cho con kỹ năng chỉ tay vào tranh ảnh trong sách, ba mẹ thường gặp những khó khăn gì? 

  • Trẻ thường hay bị mất tập trung khi học kỹ năng.
  • Trẻ gặp các vấn đề về vận động các cơ nhỏ của tay.
  • Trẻ không thích thú với việc chỉ ngón tay.
  • Ba mẹ thiếu kiên nhẫn, sợ mất nhiều thời gian hướng dẫn con.
  • Trẻ gặp các rối nhiễu về tâm lý (tự kỷ, tăng động - giảm chú ý,…) thường sẽ ảnh hưởng để khả năng ngôn ngữ, nhận thức, tương tác xã hội nên việc dạy kỹ năng cho trẻ gặp nhiều khó khăn, trẻ thường mất tập trung, loay hoay, không tương tác với ba mẹ, vì vậy ba mẹ cần thật nhiều sự kiên nhẫn.

Kết luận

Việc dạy trẻ chỉ vào tranh ảnh trong sách giúp trẻ thể hiện những gì trẻ muốn và tạo ra cơ hội giao tiếp trước khi trẻ biết nói. Chính vì thế, ba mẹ nên dành nhiều thời gian để tương tác, hướng dẫn và tập cho trẻ kỹ năng này nhằm giúp trẻ nâng cao kỹ năng nhận thức, giao tiếp cũng như các kỹ năng khác trong quá trình phát triển.

Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Nga

Tài liệu tham khảo

  1. “Từng bước nhỏ - chương trình can thiệp sớm dành cho trẻ chậm phát triển và trẻ khuyết tật”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội (2001).
  2. Phát triển ngôn ngữ sớm - Linda Mawhinney - Mary Scott McTeague.
  3. Giáo trình Can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật - Nhiều tác giả, NXB Đại Học Sư Phạm.
  4. 100 bài can thiệp hành vi của Catherine Maurice với trẻ khuyết tật.