Sau khi trẻ chào đời được vài tháng, ba mẹ sẽ nhận thấy cảm xúc, giao tiếp và tư duy của trẻ bắt đầu chuyển biến và thay đổi khá nhanh.
Từ đứa trẻ sơ sinh chỉ biết bú, ngủ, khóc, trẻ sẽ bắt đầu tò mò quan sát xung quanh, phản ứng lại với những lời nói của ba mẹ hoặc thậm chí có thể “tỏ thái độ” khi không hài lòng. Sự phát triển cảm xúc, giao tiếp, tư duy của trẻ trong giai đoạn đầu đời là nền tảng của các kỹ năng xã hội và kỹ năng giao tiếp sau này. Dưới đây là các cột mốc phát triển về cảm xúc, giao tiếp và tư duy của trẻ từ 0-3 tuổi ba mẹ cùng theo dõi về sự phát triển của trẻ ở cả 3 mặt này.
Mốc phát triển cảm xúc của trẻ từ 0 đến 3 tuổi
Sự phát triển cảm xúc của trẻ từ 0-3 tuổi sẽ có sự thay đổi qua các giai đoạn. Ba mẹ hãy cùng theo dõi để nhận ra những sự thay đổi này ở trẻ nhé.
Giai đoạn từ 0 – 12 tháng: Trong những năm đầu đời, giao tiếp xúc cảm trực tiếp với người lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Đặc biệt quan hệ với người mẹ qua xúc giác là mối quan hệ được xuất hiện sớm nhất và có vai trò quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển của trẻ để làm cơ sở cho sự phát triển các mối quan hệ xã hội sau này.
Cảm xúc của trẻ ở giai đoạn này sẽ có những trạng thái như:
- Từ tháng thứ 2 trẻ dần hình thành phản ứng vận động xúc cảm đặc biệt hướng tới người lớn được gọi là phức cảm hớn hở: Trẻ nhìn chằm chằm vào mặt người lớn, miệng cười toe toét, khua tay chân,…
- Phản ứng lại mẹ nếu mẹ ôm ấp, vỗ về trẻ.
- Từ tháng thứ 6, trẻ có thể mỉm cười khi nhìn thấy điều gì đó thú vị như giọng nói nựng của mẹ.
- Từ tháng thứ 8, trẻ bắt đầu biết lạ, biết tỏ ra sợ hãi, từ chối, hay dựa dẫm vào những người quen thuộc khi có người lạ đến gần.
- Bắt đầu nổi cơn giận dữ khi mọi thứ không như ý muốn.
Giai đoạn từ 1 – 2 tuổi
- Ở độ tuổi này, trẻ đã có nhiều cảm xúc hơn như biết giận dữ, xấu hổ hay háo hức về một chuyện gì đó.
- Trẻ đã có thể biết suy nghĩ, cân nhắc về những gì ba mẹ dặn trẻ không được làm. Tuy nhiên, do đã bắt đầu biết nghĩ về những cảm xúc của mình, trẻ sẽ dễ dàng bị rơi vào những “cơn giận dữ” và thể hiện nó khi đối mặt với nhiều thứ.
- Những cơn cáu giận này thường bao gồm những thái độ, hành vi như: Khóc lóc, la hét..
Giai đoạn 2 – 3 tuổi
- Bước vào giai đoạn 2 – 3 tuổi, trẻ có khả năng biểu hiện cảm xúc dễ dàng nhưng sự thay đổi vô cùng nhanh chóng. Trẻ dần tự tin với người lạ, hiểu rằng người khác cũng có cảm xúc.
- 3 tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng về mặt cảm xúc của trẻ. Trẻ biết thấy có lỗi hay xấu hổ và cảm nhận được cảm xúc của người khác, bao gồm cả việc hành động của trẻ sẽ tác động đến người khác như thế nào và ngược lại.
- Những “cơn giận dữ” sẽ tiếp tục diễn ra ở giai đoạn này. Vì cảm xúc của trẻ đã phong phú hơn nhưng trẻ lại chưa thể dùng từ để diễn tả nó, nên sẽ dễ dàng trở nên giận dữ.
- Cũng ở giai đoạn này từ “ Không!” cũng dường như là tiếng “cửa miệng”, hầu hết các trẻ đều tỏ ra bướng bỉnh, muốn làm ngược lại với lời chỉ bảo của người lớn hoặc vi phạm những ngăn cấm của người lớn. Với những đặc điểm như vậy, các nhà tâm lí học gọi đây là “thời kì khủng hoảng tuổi lên ba”.
Mốc phát triển giao tiếp của trẻ từ 0 đến 3 tuổi
Ba năm đầu đời là giai đoạn quan trọng để phát triển giao tiếp. Đây cũng là giai đoạn khả năng giao tiếp của trẻ phát triển nhanh chóng. Ba mẹ hãy cùng theo dõi những biểu hiện dưới đây để hỗ trợ trẻ nhé.
Giai đoạn 0 – 1 tuổi
- Giai đoạn này hầu như trẻ chỉ giới hạn giao tiếp với ba mẹ. Tất cả nỗ lực, sự tập trung của trẻ đều dồn vào việc mày mò và khám phá thế giới xung quanh như quan sát, cầm nắm đồ vật, học lật, học bò, học đi…
- Trong giai đoạn này trẻ biết làm những việc như:
- Ôm bạn, chỉ vào các bộ phận cơ thể hoặc những đồ vật mà trẻ yêu thích khi bạn gọi tên, nhận ra tên của mình.
- Giai đoạn này trẻ bắt đầu hiểu lời nói của người lớn, vì vậy ba mẹ cần kết hợp lời nói với tình huống cụ thể để tao thành tín hiệu hành động cho trẻ.
Giai đoạn 1 – 2 tuổi
- Khi trẻ bắt đầu học nói và giao tiếp, trẻ cũng sẽ học cách để kết bạn. Ở độ tuổi này trẻ rất thích được chơi cùng với những đứa trẻ khác cho dù là bằng tuổi hay lớn tuổi hơn.
- Trẻ chỉ đơn thuần ngồi chơi tự lập bên cạnh nhau chứ chưa thực sự đang chơi cạnh nhau.
- Trẻ nhận thức được sự buồn bã của trẻ khác khi khóc nhưng trẻ chưa biết cách dỗ dành các bạn.
- Trẻ rất quyết liệt trong việc bảo vệ đồ chơi của mình, điều này có thể khiến ba mẹ không vui vì nghĩ trẻ ích kỉ và cần phải học cách chia sẻ. Trẻ cần thêm nhiều thời gian nữa để học cách chia sẻ.
- Trẻ còn muốn khẳng định sự độc lập của mình bằng cách nhất quyết không chịu nắm tay mẹ khi đi ngoài đường hay trở nên giận dữ vì ba mẹ không cho phép trẻ mang đồ chơi lên giường ngủ…
Ở giai đoạn từ 2-3 tuổi
- Trẻ luôn tự coi mình là “cái rốn vũ trụ”. Trẻ không quan tâm xem người khác muốn gì hay cảm thấy thế nào bởi trẻ luôn cho rằng mọi người đều theo ý của trẻ. Đừng quá lo lắng, khi lớn lên một chút, cộng với sự hướng dẫn, dạy dỗ của ba mẹ, trẻ sẽ dần học được cách chia sẻ, quan tâm.
- Trẻ hay bắt chước ba mẹ hay bạn bè của mình và dành nhiều thời gian để quan sát những gì họ đang làm.
Mốc phát triển tư duy của trẻ từ 0 – 3 tuổi
Giai đoạn 0-3 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Chính vì vậy, về tư duy của trẻ cũng có sự thay đổi nhanh chóng. Sự thay đổi về tư duy của trẻ sẽ được thể hiện qua các giai đoạn sau đây:
Giai đoạn từ 0 – 1 tuổi
Trẻ xuất hiện sự phối hợp hai hành động có cấu trúc mục đích và phương tiện, báo hiệu sự xuất hiện của tư duy, tư duy bằng tay như: kéo rổ lại gần để lấy quả cam trong rổ, bấm nút cho đèn sáng… Tuy nhiên, cấu trúc này đã có sẵn trong hành động, mang tính tất yếu. Vì vậy, trong giai đoạn này trẻ chưa có tư duy thực sự. Tư duy đích thực là khi trẻ biết xác lập mối quan hệ chưa có sẵn để giải quyết một nhiệm vụ thực tiễn mới.
Giai đoạn từ 1 – 2 tuổi
Giai đoạn này là bước chuyển quan trọng về hoạt động tư duy.Vì tư duy của trẻ sẽ phát triển hơn nên trẻ tập trung cao vào việc khám phá đồ vật và chinh phục đồ vật, sự vật. Chẳng hạn, trẻ lấy ca múc nước tưới cho cây nhưng vì ca thủng nên nước chảy ra ngoài, do đó không tưới được. Trẻ biết cách đưa tay hứng nước. Kiểu tư duy được thực hiện nhờ những hành động định hướng bên ngoài nên được gọi là tư duy hành động.
Giai đoạn từ 2 – 3 tuổi
Giai đoạn này thì trẻ đã xuất hiện tư duy trực quan – hình ảnh tức là tư duy diễn ra bởi các hình ảnh so sánh tri giác. Chẳng hạn khi tri giác các vật có hình tam giác, trẻ nói: “Giống cái nhà” những vật có hình tròn “Giống quả bóng”..
Một số hoạt động hỗ trợ phát triển cảm xúc, giao tiếp, tư duy cho trẻ 0 - 3 tuổi
- Ngay từ khi mới sinh, ba mẹ nên ôm ấp và xoa bóp, vuốt ve trẻ thật nhiều để thể hiện sự ấm áp và tình yêu thương của bạn.
- Hãy chơi với con thật nhiều, có thể dùng các đồ vật trong nhà hay dùng bộ phận cơ thể bạn (như các hộp giấy, hình khối, chơi ú òa…)
- Nói chuyện với trẻ: ba mẹ hãy gọi tên đồ vật mà bạn sử dụng hoặc màu sắc, người xung quanh…
- Đọc sách, hát cho trẻ nghe.
- Khuyến khích trẻ dùng các kỹ năngcủa mình như tự dùng muỗng, uống nước bằng ly (ba mẹ hãy kiên nhẫn vì chắc chắn mọi thứ sẽ trở nên hơi lộn xộn đấy)
- Hãy khuyến khích trẻ bước đi và khám phá xung quanh, nhưng hãy ở gần để trẻ thấy an toàn
- Khuyến khích trẻ chơi với các trẻ khác nhưng hãy chấp nhận việc trẻ không sẵn sàng chia sẻ những món đồ của mình với trẻ khác.
Với những thông tin cung cấp trên, hi vọng rằng các bậc phụ huynh có thể hiểu trẻ hơn, và có những phương pháp hỗ trợ phát triển cảm xúc, giao tiếp cũng như tuy duy cho trẻ. Nếu trong giai đoạn này trẻ chậm phát triển về mặt cảm xúc, giao tiếp hay tư duy thì các bậc phụ huynh nên cho trẻ đi gặp chuyên gia tâm lý kiểm tra và đánh giá để đưa ra hướng can thiệp cho trẻ.
Bác sĩ Lộ Trung Anh Hoàng Luân