Tập cho trẻ tự cầm sữa hộp uống - RVE

Trong quá trình học các kỹ năng tự lập, không tránh khỏi những lần trẻ bị đổ khi không biết cách cầm hộp sữa để uống hay ba mẹ đang muốn bắt đầu dạy cho trẻ tự cầm hộp sữa để uống.

Vấn đề này tuy đơn giản nhưng đối với một số trường hợp đặc biệt thì trẻ rất khó để tập được kỹ năng này. Khi trẻ tham gia vào môi trường lớp học thì đây là kỹ năng cần thiết để trẻ tự chăm sóc mình và dần hoàn thiện kỹ năng tự lập của bản thân.

day be tu cam hop sua 2

Vì sao cần dạy trẻ kĩ năng này?

Trong thực tế, có nhiều trẻ chưa có khả năng hoặc chưa có thói quen để tự cầm hộp sữa uống. Một số trẻ có hành vi chưa phù hợp khi uống sữa hộp như: cắn ống hút, lắc hộp sữa quá mạnh, bóp hộp sữa, ném hộp sữa, không muốn tự cầm,… Xuất phát từ nguyên nhân trẻ chưa có nhiều cơ hội để tự thực hiện hành vi này hoặc trẻ chưa được hướng dẫn đúng cách để có thể thực hiện việc tự uống sữa. 

Bên cạnh đó, kỹ năng tự cầm hộp sữa uống còn giúp trẻ:

  • Phát triển sự khép léo của các ngón tay, biết cầm nắm vật tốt hơn.
  • Rèn luyện tính tự lập, biết tự cầm sữa của mình và uống.
  • Giúp  trẻ nghe hiểu lời nói của người lớn nhiều hơn.
  • Việc trẻ tự hút được sữa còn giúp ích cho việc rèn luyện cơ quan phát âm của trẻ.

Vậy dạy trẻ tự cầm sữa hộp uống như thế nào là phù hợp?

Theo các chuyên gia, khi trẻ khoảng 12 tháng tuổi, ba mẹ có thể bắt đầu tập cho trẻ tự cầm sữa để uống. 

Thực hiện làm mẫu và kích thích hành vi

Ba mẹ lấy ống hút cắm vào trong hộp sữa và bắt đầu hút; ba mẹ chú ý làm chậm, kèm theo lời nói và hành động hướng dẫn rõ ràng theo các hành vi sau: lấy ống hút, đút ống hút vào hộp sữa, đưa hộp sữa lên miệng, ngậm ống hút, cầm hộp sữa và hút.

Ba mẹ chú ý lựa chọn các hộp sữa có hình dáng ngộ nghĩnh để kích thích thị giác cho trẻ.

Với những trẻ chưa có thói quen “tự cầm” thì ba mẹ cần gây chú ý, tạo ra sự tò mò và hứng thú khi tự cầm hộp sữa để uống, nhằm kích thích hành vi “tự cầm” của trẻ.

Cho trẻ làm thử và hỗ trợ trẻ

Ba mẹ cho trẻ thực hiện chậm rãi theo các hành vi đã làm mẫu bên trên, ba mẹ chú ý theo dõi, nhắc nhở và chỉnh sửa hành vi cho trẻ; nếu trẻ chưa làm được, ba mẹ có thể cầm tay trẻ làm cho đến khi nào trẻ quen dần với các hành vi.

Có thể một số trẻ quen bú bình thì sẽ khó hút được vì ống hút không có nước chảy thẳng xuống như bú bình, lúc này ba mẹ cần bình tĩnh, vì trẻ đang trong giai đoạn tập tành và làm quen.

Trẻ thực hiện thuần thục và thường xuyên

Ba mẹ tạo điều kiện, động viên để trẻ thực hiện hành vi thường xuyên, để thành kỹ năng, kỹ xảo và thói quen hành vi của trẻ.

Kết luận

Ba mẹ hãy dành nhiều thời gian, kiên nhẫn để chơi và luyện tập cùng trẻ, vừa chơi vừa luyện tập là một cách hay để trẻ tiếp thu tốt hơn. Đồng thời, hãy nhìn thấy những tiến bộ nhỏ của trẻ để thay đổi bài tập thích hợp và khen thưởng đúng mức cho trẻ.

Tác giả: Lưu Kim Phát.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Simone Griffin - Dianne Sandler (2019), Trần Bích Phượng – Nguyễn Kim Diệu (dịch). Thúc đẩy giao tiếp, NXB Phụ nữ.

2. Hạnh Nguyên (2019). Bí Quyết Giúp Con Tăng Khả Năng Tập Trung, NXB Văn Học.

3. Ninh Quang Trường (2020). Chơi cùng con (1-4 tuổi), NXB Dân Trí.