Dạy con học nói với tranh ảnh động vật - RVE

Theo sự phát triển về ngôn ngữ và lời nói của trẻ thì khi được 18 tháng tuổi, trẻ sẽ có thể nói khoảng 20 - 25 từ hoặc nhiều hơn khi được 2 tuổi và thời điểm học nói ở trẻ là khác nhau

 Có trẻ bập bẹ những từ đơn giản đầu tiên vào 12 tháng tuổi, có trẻ tháng thứ 24 mới bập bẹ. Song thường trẻ bắt đầu học nói ở tháng thứ 18. Nếu trẻ lên 2 tuổi mà vẫn chưa nói được thì coi như chậm nói.

Để khuyến khích trẻ phát triển ngôn ngữ, Cha Mẹ có nhiều trò chơi cùng trẻ, một trong những hoạt động khá đơn giản và có hiệu quả cao là đọc sách tranh cùng trẻ.

Nhiều PH có con chậm nói, khi được khuyên rằng “hãy đọc sách cùng con”có phản ứng khá giống nhau khi đều quan niệm rằng “nó (trẻ) có hiểu gì đâu?”. Tuy nhiên, yêu cầu của chúng ta trong hoạt động đọc sách của trẻ ở mỗi lứa tuổi đều không giống nhau. Đối với trẻ có mức phát triển ngôn ngữ từ 18-24 tháng tuổi (lứa tuổi học nói), yêu cầu của chúng ta là trẻ nhận biết được hình ảnh trong sách và có thể phát âm các nguyên âm, các từ đơn giản theo hướng dẫn của Cha Mẹ

day con noi bang sach tranh anh dong vat 2

Cha Mẹ chuẩn bị một cuốn sách tranh động vật bản lớn, bố cục đơn giản. Ngồi đối diện với trẻ đặt sách tranh ở giữa hoặc cho trẻ ngồi trong lòng cùng xem sách, hoặc có thể chuẩn bị một tờ tranh động vật khổ lớn treo ở tường để cùng xem với trẻ. Cha Mẹ cảm thấy phương thức nào tiện dụng hơn phù hợp với trẻ hơn thì sử dụng phương thức đó.

Khi cùng đọc sách với trẻ, Cha Mẹ dùng tay chỉ vào tranh từng con vật trong sách. Gọi tên con vật đó và khuyến khích trẻ đập tay hoặc chỉ tay vào hình, cùng gọi tên con vật, rồi bắt chước tiếng kêu của con vật đó

Ví dụ: Cha Mẹ chỉ tay vào hình con gà trong tranh, nói “Đây là con gà”, cầm tay trẻ đập nhẹ hoặc nếu trẻ chỉ được thì cầm tay trẻ chỉ ngón trỏ vào tranh, hỏi trẻ “Đây là con gì?”, rồi mớm lời cho trẻ “con gà”, nếu trẻ không phát âm được, không sao cả, hãy bỏ qua đừng ép buộc trẻ “phải nói cho được”, bởi vì dạy trẻ nói là một quá trình cần thời gian và sự kiên nhẫn của Cha Mẹ.

Sau khi lặp lại bài học một vài lần, trẻ có thể không phát âm được từ “con gà” hay “gà”, nhưng trẻ sẽ nhận biết được hình ảnh con gà trong sách. Lúc này Cha Mẹ có thể thay đổi câu hỏi với trẻ thành “con gà đâu nhỉ?” “Con chỉ cho Cha/Mẹ hình con gà được không?”, trẻ chỉ được hình con gà, hãy chỉ cho trẻ phát âm tiếng gà gáy “ò ó o o”. Ban đầu, trẻ có thể chỉ phát âm được “o”, lặp lại bài tập này nhiều lần, trẻ sẽ dần phát âm được “o o”, rồi “ò ó o”. Trẻ có thể sẽ gọi “con gà” là “à”, “mà” nhưng nếu Cha Mẹ lặp lại bài tập này nhiều lần, trẻ sẽ dần phát âm được.

Tương tự như vậy, Cha Mẹ sẽ tiếp tục với những con vật khác trong sách như “con vịt – cạp cạp”, “con mèo – meo meo”, “con chó – gâu gâu”

Thông thường, thời gian tập trung chú ý của trẻ vào các hoạt động này không lâu. Cho nên thay vì buộc trẻ ngồi đọc cùng Cha Mẹ liên tục 30 – 60 phút một ngày, Cha Mẹ có thể chia nhỏ khoảng thời gian này ra, 3 lần một ngày, mỗi lần 10 phút rồi hãy cho trẻ chuyển qua hoạt động khác, như vậy bài học sẽ có hiệu quả hơn

day con noi bang sach tranh anh dong vat 3

Ngoài ra, khi thực hiện bài học này, Cha Mẹ nên kết hợp thêm dạy trẻ các bài múa hát đơn giản về các con vật trong sách mà Cha Mẹ đang dạy, tập cho trẻ hát “vuốt đuôi” theo Cha Mẹ khi đang hát. Số từ vuốt đuôi này bắt đầu từ 1 từ, rồi dần dần sẽ tăng dần lên khi trẻ quen với bài hát. Như vậy ngoài việc tập cho trẻ nói, Cha Mẹ còn có thể giúp trẻ tăng chú ý, dạy trẻ khả năng bắt chước đồng thời khuyến khích việc trẻ giao tiếp nhiều hơn với Cha Mẹ.

Một số bài hát đơn giản Cha Mẹ có thể sử dụng như: “Cá vàng bơi”, “Gà trống gáy”, “Mèo con và Cún con”,…

Và, nguyên tắc khi dạy trẻ nói là “giao tiếp phải có hai người”, nên mong rằng Cha Mẹ có thể mau chóng tìm được phương pháp “đối thoại” phù hợp với trẻ. Hy vọng Cha Mẹ có thể áp dụng thành công bài học này trong quá trình dạy trẻ học nói để trẻ sớm phát triển ngôn ngữ kịp với lứa tuổi của mình

Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Chuyên viên tư vấn tâm lý Rồng Việt