Chuẩn bị kỳ nghỉ lễ dài ngày, nhiều gia đình lên sẵn kế hoạch đi du lịch và nhiều kế hoach vui chơi khác. Vấn đề ăn uống và sức khỏe đường tiêu hóa cũng được nhiều du khách quan tâm.
Những ngày hè, nhiệt độ tăng cao từ 37 - 40 độ C là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển sinh sôi gấp 3 lần so với nhiệt độ bình thường. Có rất nhiều vi khuẩn có thể gây hại cho đường tiêu hóa như e.coli, shigella, vibrio cholarae...Tùy từng loại vi khuẩn xâm nhập mà ảnh hưởng đến sức khỏe khác nhau. Tuy nhiên, chúng đều gây ra tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy...Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, ngăn ngừa bệnh tiêu chảy trong chuyến đi, mời các bạn tham khảo bài viết sau đây:
Cách phòng ngừa tiêu chảy khi đi du lịch
Lựa chọn thực phẩm và địa điểm ăn uống: Chọn địa điểm ăn uống sạch sẽ, tốt nhất là thức ăn trong các nhà hàng và quán ăn lớn được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, được cộng đồng đánh giá cao hoặc tham khảo từ người dân bản địa. Tránh ăn thức ăn bán rong ở lề đường, thực phẩm lạ, chưa được nấu chín (gỏi, tái hay đồ sống...), không được bảo quản và che đậy cẩn thận. Những thực phẩm được chế biến để lâu trong môi trường nắng nóng dễ bị phân hủy, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập.
Chú ý nguồn nước: Người đi du lịch thường di chuyển nhiều nên cơ thể dễ mất nước, cần bổ sung nước và điện giải. Tuy nhiên, mọi người cần cẩn trọng nguồn nước uống, không nên uống nước chưa được khử trùng, mà nên uống nước đóng chai hoặc nước đun sôi ít nhất 3 phút. Khi sử dụng các loại đồ uống, mọi người cần thận trọng vì nước đá trong thức uống có thể làm từ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Đánh răng và súc miệng bằng nước máy. Lưu ý khi tắm, bơi lội vì có thể nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo có thể khiến nuốt phải vi khuẩn có hại.
Rửa tay thường xuyên: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn, hạn chế đưa tay lên mặt, mũi, miệng vì có thể vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể. Sử dụng chất khử trùng tay có chứa ít nhất 70% cồn trong trường hợp không có nguồn nước sạch để vệ sinh tay.
Khi du lịch, mọi người nên chuẩn bị và mang theo các thuốc chống tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa. Người bị tiêu chảy nhẹ có thể dùng các thuốc không cần kê đơn. Người bị tiêu chảy nên dùng các loại thức ăn mềm, dễ tiêu và đảm bảo vệ sinh như cơm trắng, cháo trắng, chuối, nước dừa... Các thức ăn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh như cà phê, rượu bia... cần hạn chế.
Đi du lịch dịp lễ, khi nhiệt độ tăng cao nên tránh thực phẩm chế biến lâu mà không bảo quản tốt, uống nhiều nước, rửa tay thường xuyên để phòng tiêu chảy bảo vệ sức khoẻ của gia đình và bản thân bạn nhé.
Tác giả Hồ Thị Thu Hương
Tài liệu tham khảo
Phòng ngừa tiêu chảy khi đi du lịch mùa nắng nóng, https://vnexpress.net/phong-ngua-tieu-chay-khi-di-du-lich-mua-nang-nong-4597589.html