Nguyên tắc bàn tay trong việc khen con - RVE

Việc khen ngợi có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và tự tin của mỗi đứa trẻ. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng nên tìm cách khen ngợi sao cho đúng để đem lại hiệu quả.

nguyen tac ban tay trong viec khen con 1

Nguyên tắc 1: Khen vào quá trình, không chỉ khen vào kết quả Khi trẻ đạt được một thành tựu nào đó, thay vì chỉ khen ngợi kết quả, hãy tập trung vào nỗ lực mà trẻ đã bỏ ra. Điều này giúp trẻ hiểu rằng sự cố gắng mới là điều quan trọng nhất.

Ví dụ:

  • Khi con tự xúc ăn, thay vì nói: "Con giỏi quá!", hãy nói: "Hôm nay con đã rất cố gắng, mẹ thấy con xúc gọn hơn và ít làm rơi thức ăn hơn những lần trước!"
  • Khi con đạt điểm 10, thay vì khen: "Con mẹ giỏi quá!", hãy nói: "Mẹ thấy con đã rất nỗ lực, lúc làm bài con tập trung và kiên trì, thậm chí viết đến mỏi cả tay phải không con?"

Việc khen vào quá trình giúp trẻ nhận thức rằng chính sự chăm chỉ, cố gắng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công, từ đó khuyến khích trẻ tiếp tục nỗ lực.

Nguyên tắc 2: Không so sánh con với người khác So sánh con với bạn bè hoặc "con nhà người ta" có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti hoặc kiêu ngạo. Thay vào đó, hãy tập trung vào sự tiến bộ của chính con.

Ví dụ:

  • Không nên nói: "Con ăn nhanh hơn bạn A đó!"
  • Không nên nói: "Con học kém hơn bạn B!"
  • Thay vào đó, hãy nói: "Hôm nay con ăn rất nhanh, mẹ thấy con có tiến bộ hơn hôm trước rồi đấy!" hoặc "Mẹ nhận thấy con đã chăm chỉ làm bài hơn trước, cố gắng tiếp tục nhé!"

Hạn chế chê bai và đặc biệt không chê con trước mặt người khác. Nếu cần góp ý, hãy nói chuyện riêng với con để con không cảm thấy tổn thương.

nguyen tac ban tay trong viec khen con 2

Nguyên tắc 3: Nhấn mạnh vào cảm xúc của bố mẹ thay vì phẩm chất của con Khi khen con, nên tập trung vào cảm xúc của bố mẹ thay vì nhấn mạnh vào phẩm chất bẩm sinh của con. Điều này giúp trẻ hiểu rằng hành động của mình có ảnh hưởng đến người khác và tạo động lực để tiếp tục cố gắng.

Ví dụ:

  • Thay vì nói: "Con thông minh quá!" (nhấn mạnh vào phẩm chất), hãy nói: "Con làm được điều này khiến mẹ rất vui và tự hào!"
  • Thay vì nói: "Con rất ngoan!", hãy nói: "Mẹ rất hạnh phúc khi thấy con giúp đỡ em như vậy!"

Việc nhấn mạnh cảm xúc của bố mẹ giúp trẻ hiểu rằng chính hành động của mình mang lại niềm vui và hạnh phúc cho những người xung quanh.

nguyen tac ban tay trong viec khen con 3

Nguyên tắc 4: Khen cả những hành động nhỏ nhặt Không chỉ khen những thành tựu lớn, hãy để ý đến cả những hành động nhỏ nhặt mà trẻ thực hiện, kể cả khi chúng không chủ ý.

Ví dụ:

  • Khi con vô tình giúp mẹ bê bát đũa, hãy nói: "Hôm nay con giúp mẹ bê bát, mẹ rất vui vì con đã để ý đến công việc nhà!"
  • Khi con tự động dọn đồ chơi mà không cần nhắc, hãy nói: "Mẹ thấy con tự giác dọn đồ chơi mà không cần mẹ nhắc, mẹ rất vui!"

Việc khen ngợi những điều nhỏ bé giúp trẻ cảm thấy được ghi nhận, từ đó tạo thói quen tốt trong cuộc sống hàng ngày.

Nguyên tắc 5: Truyền đạt lại lời khen của người khác đến trẻ Trẻ thường cảm thấy tự hào và có động lực hơn khi biết rằng không chỉ bố mẹ mà cả những người khác cũng công nhận sự nỗ lực của mình.

Ví dụ:

  • Thay vì nói: "Con rất lễ phép!", hãy nói: "Hôm nay bác hàng xóm bảo mẹ rằng con rất lễ phép, biết chào hỏi người lớn!"
  • Nếu cô giáo khen con chăm học, có thể nói: "Hôm nay cô giáo nói với mẹ rằng con rất chăm chỉ và luôn cố gắng trong lớp!"

Điều này giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn và có động lực để tiếp tục duy trì những hành vi tốt.

nguyen tac ban tay trong viec khen con 4

Bằng cách áp dụng những nguyên tắc trên, bố mẹ có thể giúp trẻ phát triển một cách lành mạnh, tự tin và có động lực nội tại để không ngừng cố gắng

Tác giả: Nguyễn Thụy Quỳnh Anh